Năm 2020, các tỉnh Nam Trung bộ gồm Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận hạn hán chưa từng có, trên 46.000ha cây trồng phải bỏ vụ để ưu tiên nước sinh hoạt và chăn nuôi.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ thi công Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Ngàn Phố.
Vật lộn với hạn hán
Những tháng mùa khô năm 2020, các tỉnh Nam Trung bộ lượng mưa rất thấp; đặc biệt khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận 4 tháng đầu mùa khô không có mưa, tổng lượng mưa khu vực Nam Trung bộ thấp hơn TBNN từ 20-40%; lượng dòng chảy thiếu hụt từ 40-70%, một số sông nhỏ đã tắt dòng. Nắng nóng, mưa ít đã xảy ra đợt hạn hán nghiêm trọng, đặc biệt các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận đã phải công bố cấp độ rủi ro hạn hán cấp độ 2-3.
Tính đến ngày 23/5/2020, 21 hồ chứa nước của tỉnh Ninh Thuận hầu hết xấp xỉ ở mực nước chết, có hồ cạn trơ đáy, lượng nước trong các hồ chỉ còn 23,94/194,49 triệu m3 (12,31%). 17 hồ của tỉnh Bình Thuận, dung tích chỉ còn 11,16/259,38 triệu m3 (4,3%). 28 hồ thủy lợi của tỉnh Khánh Hòa với dung tích 210 triệu m3 cũng chỉ còn hơn 50% dung tích. Nước cho sinh hoạt thiếu hụt nghiêm trọng, nhiều nơi người dân phải mua với giá dao động từ 60.000 - 120.000 đồng/m3.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cùng lãnh đạo tỉnh Bình Thuận làm việc tại hồ chứa nước Sông Lũy, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Ngàn Phố.
Đứng trước tình hình hạn hán nghiêm trọng, thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh Nam Trung bộ đã chủ động bám sát tình hình, xây dựng kịch bản ứng phó với hạn hán, thiếu nước. Theo đó, tỉnh Ninh Thuận phải dừng 16.831 ha diện tích cây trồng, tỉnh Bình Thuận 15.000 ha, tỉnh Khánh Hòa khoanh vùng, bỏ vụ 14.200 ha để ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho 51.177 hộ, với 197.728 nhân khẩu và phục vụ chăn nuôi.
Trước tình trạng này, Bộ NN-PTNT đã tổ chức nhiều đoàn công tác tới các địa phương để làm việc về công tác ứng phó với hạn hán, đưa ra nhiều giải pháp công trình và phi công trình nhằm hỗ trợ, chia sẻ với những khó khăn của của các địa phương, bảo đảm ổn định sản xuất và an sinh xã hội.
Mặc dù đang là cao điểm của đại dịch Covid-19, nhưng nhiều giải pháp sáng tạo, nhiều công trình thủy lợi được lãnh đạo Bộ NN-PTNT, lãnh đạo các tỉnh chỉ đạo quyết liệt nhằm sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần chống hạn, cứu sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân.
Hồ chứa nước Sông Lũy tỉnh Bình Thuận vượt tiến độ, tích nước sớm 6 tháng so với kế hoạch. Ảnh: Ngàn Phố.
Đến cuối năm 2020, các hồ chứa nước Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận; hồ chứa nước Sông Lũy, tỉnh Bình Thuận đều vượt tiến độ so với yêu cầu. Riêng hồ Sông Lũy đã tích nước sớm hơn 6 tháng so với tiến độ. “Mục tiêu kép” vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ đã được Bộ NN-PTNT thực hiện một cách sáng tạo, hiệu quả.
Giải pháp nào cho Nam Trung bộ trong thời gian tới
Theo ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng dự báo Khí tượng Thủy văn, Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Nam Trung bộ, tổng lượng mưa mùa khô năm 2021, ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm. Tình hình khô hạn năm nay, có thể chỉ xảy ra cục bộ, không khắc nghiệt như năm trước và sẽ được cải thiện đáng kể nhờ có lượng nước tích trữ dồi dào trong mùa mưa năm 2020 của các hồ chứa trên khu vực.
Làm việc với ông Lưu Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý tưới và công trình, Công ty TNHH MTV KTCTTL Ninh Thuận; ông Nguyễn Thái Hùng Chủ tịch Công ty TNHH MTV KTCTTL tỉnh Khánh Hòa, năm 2021 vụ Đông Xuân diện tích gieo trồng đạt 100% theo kế hoạch được giao.
Riêng đối với tỉnh Bình Thuận, theo ông Nguyễn Hữu Tuân, Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV KTCTTL cho biết: Khu vực phía Bắc nhờ có hồ chứa nước Sông Lũy tích nước sớm nên các huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc năm 2021 không những không ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt mà còn tăng diện tích gần 3.000 ha; trong khi đó các huyện phía Nam của tỉnh khả năng tiếp tục bị hạn, gần 300 ha lúa và hàng ngàn ha thanh long có nguy cơ phải khoanh vùng, bỏ vụ vì thiếu nước.
Tại “Hội thảo khô hạn và các giải pháp khắc phục tại các tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam” được UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Cơ quan phát triển Bỉ tổ chức ngày 12/5/2016 tại tỉnh Ninh Thuận, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng thế giới, ông Iain Menzies đã phân tích: “Mưa tuân theo quy tắc giống như ta lật đồng xu, đó là quy trình định kỳ và ngẫu nhiên. Do đó, các đợt hạn hán tại Nam Trung bộ nói chung và Ninh Thuận nói riêng lặp đi lặp lại, đã xảy ra trong quá khứ và sẽ tiếp tục trong tương lai”.
Vì vậy, hạn hán ở Nam Trung bộ vẫn sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong thời gian tới; đặc biệt trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đi khảo sát hồ La Ngà 3. Ảnh: Ngàn Phố.
Để phấn đấu đến năm 2025 cơ bản giải quyết tình trạng hạn hán, thiếu nước cho các tỉnh Nam Trung bộ, bảo đảm an ninh nguồn nước cần có nhiều giải pháp công trình, phi công trình mang tính đồng bộ, lâu dài. Theo các chuyên gia, trước mắt tập trung mấy nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, đó là tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tính toán chuyển đổi hợp lý cây trồng để thích ứng với điều kiện và khả năng nguồn nước của từng địa phương.
Thứ hai, phát triển, quản lý có hiệu quả rừng; tăng diện tích che phủ đặc biệt là rừng đầu nguồn, góp phần giữ nước, hạn chế sạt lở đất, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển kinh tế.
Thứ ba, hoàn thiện, tăng cường hệ thống thủy lợi nhất là các kênh chuyển nước, kênh nội đồng; phục vụ tưới tiêu, cấp nước phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển các ngành kinh tế - xã hội.
Thứ tư, tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi lớn, trọng điểm có sức lan tỏa cao như hồ La Ngà 3; Kết nối liên hồ, liên lưu vực như giữa hồ Tân Mỹ tỉnh Ninh Thuận với các hồ Sông Trâu, hồ Bà Râu, hồ Sông sắt và chuyển nước qua khu vực phía Nam TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa; giữa hồ Tân Giang với hồ Sông Biêu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Chuyển nước từ hồ Sông Chò 1 tới các hồ chứa nước Cam Ranh, hồ chứa nước Suối Dầu tỉnh Khánh Hòa; hệ thống kênh chuyển nước liên huyện phía Nam tỉnh Bình Thuận, từ Đập dâng Tà Pao về hồ Biển Lạc, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam, thị xã La Gi; Nghiên cứu đầu tư theo phương thức PPP cho 1 số dự án cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, du lịch và dịch vụ.
Thứ năm, các Công ty thủy lợi tăng cường nâng cao năng lực, đổi mới theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; phát huy hiệu quả công trình thủy lợi, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Nam Trung bộ nói chung, Ninh Thuận nói riêng; vùng đất 1 thiếu 4 thừa - thừa nắng, thừa gió, thừa cát, thừa xương rồng, nhưng luôn khắc khoải thiếu nước. Nắng, gió, cát, xương rồng ngày nay đã được con người nơi đây biến thành một tiềm năng, một lợi thế, trở thành nguồn lực to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.
Với Chiến lược phát triển thủy lợi của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 7/01/2020, rồi đây các hồ chứa thủy lợi lớn, các đường ống kết nối hồ chứa và chuyển nước ra vùng biển, vùng khan hiếm nước… sẽ được tiếp tục đầu tư, cùng với sự sáng tạo của con người sẽ giúp nơi đây chủ động giải quyết tình trạng khan hiếm nước, bảo đảm an ninh nguồn nước; đưa kinh tế xã hội của Nam Trung bộ ngày càng phát triển.
Theo Quyết định số 4367/QĐ-BNN-XD ngày 2/11/2020 của Bộ NN-PTNT, dự án hồ chứa nước La Ngà 3, tỉnh Bình Thuận với dung tích 435 triệu m3 khi hoàn thành sẽ đảm bảo cấp và tạo nguồn nước tưới cho 78.800ha đất nông nghiệp; cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, du lịch và dịch vụ cho tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu với công suất 600.000 m3/ngày; phòng lũ với dung tích 50 triệu m3, kết hợp phát điện 34MW.
(Nguồn nongnghiep.vn)