CÔNG TY TNHH MTV KTCT THỦY LỢI BÌNH THUẬN

  • Banner 7
  • Banner 6
  • Banner 5
  • Banner 4
  • Banner 3
  • Banner 2
  • banner 1

Tin tức - sự kiện

Cận cảnh hồ đập thủy lợi cứu khát, cứu khô hạn cho người dân ở Bình Thuận

9/23/2023 260 Đã xem

Bình Thuận là một trong những tỉnh khô hạn nhất cả nước.Lượng mưa trung bình năm chỉ có khoảng 1.200 mm, có nơi chỉ 700 mm, chủ yếu tập trung từ tháng 5 đến cuối tháng 10 là hết mưa. Về mùa khô, năm nào cũng xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất. Để khắc phục tình trạng thiếu nước, ngay từ khi mới tách tỉnh (1992), Bình Thuận đã chú trọng xây dựng hệ thống hồ, đập chứa nước và hệ thống kênh dẫn kết nối các hồ chứa với nhau.

Khi mới tách tỉnh, Bình Thuận chỉ có sản lượng 40.000 tấn lúa/năm, đến nay sản lượng lúa toàn tỉnh là 750.000 tấn, chưa kể diện tích thanh long hơn 28.000 ha luôn đảm bảo nước tưới. Theo ông Nguyễn Hữu Quý, nguyên giám đốc các sở: Thủy lợi, NN-PTNT và KHCN Bình Thuận thì thành quả từ nông nghiệp của Bình Thuận được như ngày nay là nhờ hệ thống hồ đập thủy lợi phát triển.

Tính đến nay, tổng số hồ, đập của Bình Thuận được xây dựng là 49 hồ, đập với tổng dung tích 442 triệu m3. Trong đó có 3 hồ có dung tích trên 50 triệu m3; 3 hồ có dung tích từ 30 đến dưới 50 triệu m3; 2 hồ có dung tích từ 10 đến dưới 30 triệu m3; 7 hồ có dung tích từ 3 đến 10 triệu m3; còn lại là các hồ dung tích nhỏ. Tuy vậy, tổng diện tích đất nông nghiệp được tưới của cả tỉnh chỉ đạt 16,48% (54.000/320.000 ha).

Trong tuần qua, PV Thanh Niên đã đi khảo sát 10 hồ đập lớn nhất của cả tỉnh Bình Thuận ở các huyện: Tánh Linh, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Tuy Phong. Dưới đây là một số hình ảnh và thông tin các hồ, đập lớn Bình Thuận.

1. Đập dâng Tà Pao tại H.Tánh Linh được xây dựng từ tháng 1. 2010, đến tháng 7.2015 hoàn thành đưa vào sử dụng. Tổng mức đầu tư 2.400 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách tỉnh. Diện tích đất, rừng phải chuyển đổi để xây dựng công trình khoảng khoảng 40 ha.

Đập có tổng dung tích thiết kế trên 3 triệu m3; diện tích mặt đập ứng với cao trình mực nước thiết kế khoảng 89 ha.

Đây là đập ngăn dòng chảy sông La Ngà, tận dụng nguồn nước xả sau thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi.

Đập dâng dẫn nước vào hệ thống kênh cung cấp nước cho vựa lúa Tánh Linh và Đức Linh. Tổng chiều dài kênh chính 67.2 km, trong đó kênh bắc dài 32,2 km và kênh nam dài 35 km.

Nhiệm vụ công trình cấp nước tưới cho 27.090 ha của 2 huyện Tánh Linh và Đức Linh. Tạo nguồn nước sinh hoạt cho 150.000 dân và khu công nghiệp 840 ha; kết hợp phát triển giao thông và xây dựng các khu dân cư.

2. Hồ thủy lợi Ba Bàu tại xã Hàm Thạnh, H.Hàm Thuận Nam, được xây dựng 1996 đến 1998 hoàn thành, đưa vào sử dụng. Năm 2006 công trình được đầu tư nâng cấp với tổng mức đầu tư 5 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.

 

Hồ có tổng dung tích thiết kế trên 6,94 triệu m3; diện tích mặt hồ ứng với cao trình mực nước thiết kế khoảng 225 ha.

Nguồn nước chảy về hồ này từ sông Kao Ết và hồ sông Móng. Tuy nhiên, cuối mùa khô hồ trơ đáy không còn nước. Hồ này có kênh tưới dài 31 km, riêng tuyến kênh chính dài 21 km.

Nhiệm vụ công trình theo thiết kế cấp nước tưới cho 2.700 ha, thực tế công trình tưới 3.500 ha (lúa, màu 100 ha, thanh long 3.400ha); ngoài ra, còn cung cấp nước sinh hoạt cho nhá máy nước Ba Bàu - Mương Mán 2.500 m3/ ngày.

3. Hồ thủy lợi Đá Bạc, ở xã Vĩnh Hảo, H.Tuy Phong được xây dựng từ năm 1995, đến năm 1999 hoàn thành đưa vào sử dụng. Tổng mức đầu tư 50 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Năm 2021 công trình được đầu tư nâng cấp với tổng mức đầu tư 43,2 tỉ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới và vốn ngân sách tỉnh.

Hồ có tổng dung tích thiết kế trên 8,42 triệu m3; diện tích mặt hồ ứng với cao trình mực nước thiết kế khoảng 187,72ha.

Nguồn nước chảy về hồ này từ suối Đá Bạc và kênh tiếp nước Lòng Sông - Đá Bạc. Đặc điểm của hồ này là hồ ở vùng khô hạn nhất tỉnh, trước đây đã xảy ra hạn nghiêm trọng, 5 vụ mùa liên tiếp không có nước sản xuất. Kể từ khi có kênh tiếp nước Lòng Sông - Đá Bạc bổ sung nguồn nước từ hồ sông Lòng Sông, hồ Đá Bạc mới cơ bản đủ nước phục vụ sản xuất.

Hồ có hệ thống kênh dẫn dài 5,4 km, nhiệm vụ tưới cho diện tích 280 ha lúa và cây màu ở vùng hạn Vĩnh Hảo và Vĩnh Tân. Ngoài ra, hồ này còn có chức năng cung cấp nước ngọt cho Trung tâm điện lực Vĩnh Tân trên 6.000 m3 ngày/đêm.

4.Hồ thủy lợi sông Lòng Sông xã Phong Phú, H.Tuy Phong được xây dựng tháng 11.2000 đến 11.2013 hoàn thành đưa vào sử dụng. Tổng mức đầu tư 358 tỉ đồng từ nguồn vốn T.Ư và vốn ngân sách tỉnh. Diện tích đất, rừng phải chuyển đổi để xây dựng công trình khoảng 200 ha.

Hồ có tổng dung tích thiết kế trên 37 triệu m3; diện tích mặt hồ ứng với cao trình mực nước thiết kế khoảng 236 ha.

Nguồn nước chảy về hồ này từ sông Lòng Sông và sông Tân Can. Có những năm hạn hán nặng, phải bơm cấp nước sinh hoạt cho nhà máy nước Tuy Phong qua hệ thống kênh Cây Cà và kênh Tuy Tịnh.

Nhiệm vụ của hồ là cấp nước tưới cho 2.540 ha (lúa 2.010 ha, còn lại là thanh long và cây ăn quả) cho các xã Phong Phú, Phú Lạc và xã Phước Thể; cấp nước sinh hoạt cho Nhà máy nước Tuy Phong 22.000 m3/ ngày đêm.

5. Hồ thủy lợi Sông Quao ở H.Hàm Thuận Bắc được xây dựng 9.1988 đến 9.1997 hoàn thành đưa vào sử dụng. Tổng mức đầu tư 288 tỉ đồng, trong đó vốn T.Ư 270 tỉ đồng, vốn ngân sách tỉnh 18 tỉ đồng. Công trình được đầu tư nâng cấp năm 2021 với tổng mức đầu tư 199,6 tỉ đồng từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới và ngân sách tỉnh. Diện tích đất, rừng phải chuyển đổi để xây dựng công trình này khoảng 600 ha.

Đây là hồ thủy lợi có vị trí quan trọng đặc biệt đối với việc phát triển nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân H.Hàm Thuận Bắc và TP.Phan Thiết.

Hồ này có tổng dung tích thiết kế trên 80 triệu m3; diện tích mặt hồ ứng với cao trình mực nước thiết kế khoảng 680 ha;

Nguồn nước chảy về hồ này từ sông Do và sông Khô. Năm nào hạn hán mực nước hồ này hạ xuống chỉ còn khoảng 5 triệu m3.

Nhiệm vụ thiết kế công trình cấp nước tưới cho 8.120 ha; cấp nước sinh hoạt và công nghiệp 19.800 m3/ ngày đêm và điều tiết lũ cho vùng hạ du. Trên thực tế hồ đã cung cấp nước sản xuất cho hơn 12.700 ha đất lúa và thanh long; cung cấp 64.000 m3 nước sinh hoạt/ ngày đêm cho TT.Ma Lâm và TP.Phan Thiết.

6. Hồ thủy lợi Sông Lũy tại xã Phan Sơn và Phan Lâm, H.Bắc Bình được xây dựng 2.2009 đến 10.2022 hoàn thành đưa vào sử dụng. Tổng mức đầu tư 1.484 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Diện tích đất, rừng phải chuyển đổi để xây dựng công trình khoảng 100 ha. Để xây dựng hồ thủy lợi này, Nhà nước phải di dời cả xã Phan Sơn (nơi đại đa số đồng bào K’ho sinh sống) đến khu tái dịnh cư mới.

Đây là hồ thủy lợi lớn nhất tỉnh Bình Thuận cho tới thời điểm này với dung tích thiết kế trên 99,9 triệu m3; diện tích mặt hồ ứng với cao trình mực nước thiết kế khoảng 1.505 ha.

Nguồn nước chảy về hồ này từ sông Lũy, Tà Mai, Matin và thủy điện Đại Ninh.

Nhiệm vụ công trình này tạo nguồn cấp nước tưới 24.200 ha đất nông nghiệpở 2 huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc; cung cấp nước tưới, sinh hoạt và du lịch cho trạm bơm Lê Hồng Phong, bơm chảy về Bàu Trắng và xã Hồng Phong. Ngoài ra hồ này là nguồn cung cấp nước cho hệ thống tưới Phan Rí - Phan Thiết, một hệ thống thủy lợi khác do Nhật Bản tài trợ.

Nguồn Báo Thanh Niên

Top