Tây Nguyên có vị trí chiến lược về quốc phòng-an ninh và là vùng kinh tế quan trọng của cả nước. Trong đó, nông nghiệp được coi là thế mạnh của vùng. Vậy nhưng, trong nửa đầu năm nay, các tỉnh Tây Nguyên đã phải oằn mình trong cơn đại hạn, với hậu quả để lại cho ngành nông nghiệp cũng như tăng trưởng kinh tế của cả vùng hết sức nặng nề.
Nguyên nhân khiến cho hạn hán ở Tây Nguyên thêm trầm trọng là bởi các công trình thủy lợi trong vùng vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng tốt cho phát triển nông nghiệp. Các công trình thủy lợi của toàn vùng mới chỉ bảo đảm nước tưới cho khoảng 17,6% tổng diện tích cây trồng và còn tới 82,4% diện tích chủ yếu vẫn dựa vào nguồn nước tự nhiên, nghĩa là vẫn phải phó mặc hoàn toàn cho "ông Trời".
Trên thực tế, đã có các doanh nghiệp nông-lâm nghiệp trên vùng cao nguyên đất đỏ biết "nhìn xa trông rộng" khi ưu tiên phát triển thủy lợi, do đó chủ động được nguồn nước tưới phục vụ cho sản xuất. Điển hình như Công ty Cà phê 15 (Quân khu 5) đã huy động nguồn kinh phí lớn, xây dựng được nhiều hồ đập thủy lợi, không chỉ bảo đảm sản xuất cho hơn 1.000ha cà phê, cao su của công ty mà còn hỗ trợ nước tưới cho hàng trăm héc-ta cây trồng của nhân dân trên địa bàn ngay cả trong thời điểm Tây Nguyên đại hạn. Đáng tiếc là cách làm trên lại chưa được phổ biến rộng rãi. Không những thế, người dân địa phương vẫn đang áp dụng những phương pháp canh tác lạc hậu, lãng phí nước.
Muốn tái cơ cấu nông nghiệp thành công thì các tỉnh vùng Tây Nguyên phải xác định thủy lợi là ngành chủ động đi trước, đón đầu. Các tỉnh trong vùng cần tăng cường đầu tư nâng cấp, xây mới và đồng bộ hóa các công trình thủy lợi từ hồ, đập chứa nước đến hệ thống kênh mương; tránh tình trạng xây dựng công trình thủy lợi không đúng nơi cấp thiết, hoặc có hồ thủy lợi nhưng lại không có kênh dẫn nước. Kinh phí để thực hiện thành công tái cơ cấu thủy lợi vùng Tây Nguyên có thể lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Vì vậy, các địa phương trong vùng nên chủ động huy động vốn, không chỉ trông chờ vào ngân sách Trung ương mà phải vận động được sức dân, xã hội hóa các công trình thủy lợi nhỏ để phục vụ trực tiếp nhu cầu sản xuất của người dân.
Việc quy hoạch thủy lợi phải gắn với quy hoạch cây trồng để có thể phát huy tối đa giá trị cây trồng cũng như công năng sử dụng của các công trình thủy lợi. Vùng Tây Nguyên cần sớm có chiến lược ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, sử dụng các phương pháp tưới tiết kiệm nước. Khi người dân áp dụng rộng rãi phương pháp sản xuất khoa học thì hạn hán, thiếu nước sẽ không còn là áp lực quá lớn với ngành nông nghiệp Tây Nguyên. Bên cạnh đó, chiến lược lâu dài cần hướng đến là các tỉnh trong vùng phải đặc biệt chú trọng trồng rừng, bảo vệ rừng, nhất là rừng đầu nguồn để giữ nước.
Kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp mà ông cha ta đã đúc kết từ ngàn đời nay đó là: "Nhất nước, nhì phân", đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày một diễn biến phức tạp, hạn hán xảy ra liên tiếp thì chỉ khi chủ động được nguồn nước tưới từ hệ thống thủy lợi mới có thể bảo đảm cho Tây Nguyên có một nền nông nghiệp phát triển bền vững.
TRẦN MINH
THeo QĐND