CÔNG TY TNHH MTV KTCT THỦY LỢI BÌNH THUẬN

  • Banner 7
  • Banner 6
  • Banner 5
  • Banner 4
  • Banner 3
  • Banner 2
  • banner 1

Tin Tức

GẦN 100.000 ĐỒNG BÀO THIẾU NƯỚC SINH HOẠT, TƯỚI TIÊU VÀ MỘT KHU RỪNG 600 HA (CÓ 137 HA RỪNG ĐẶC DỤNG): CÁI NÀO QUAN TRỌNG HƠN?

9/7/2023 541 Đã xem

GẦN 100.000 ĐỒNG BÀO THIẾU NƯỚC SINH HOẠT, TƯỚI TIÊU VÀ MỘT KHU RỪNG 600 HA (CÓ 137 HA RỪNG ĐẶC DỤNG): CÁI NÀO QUAN TRỌNG HƠN?

Năm 2016, Bình Thuận là tỉnh chịu hạn hán nghiêm trọng nhất cả nước. Thiệt hại kinh tế ước tính gần 8000 nghìn tỷ đồng, trong đó có 15 ngàn ha lúa phải mất trắng, hơn 2000 ha thanh long phải bỏ đi hoặc năng suất cực thấp, hơn 70 ngàn người thiếu nước sinh hoạt. Năm 2020, Bình Thuận phải công bố rủi ro thiên tai hạn hán cấp độ 2, riêng hạn hán ở Hàm Thuận Nam ở cấp độ 3. Hơn 30 ngàn ha lúa mất trắng, 14 ngàn ha cây trồng - chủ yếu là thanh long không thể canh tác, hơn 93 ngàn nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt và ước tính thiệt hại lên tới 12000 tỷ đồng.

Và đó là lý do mà các hồ thủy lợi ở Ninh Thuận, Bình Thuận ra đời, mục đích là để phòng hạn hán, tích nước sinh hoạt và sản xuất vì trong tương lai, hạn hán chỉ có tăng chứ không có giảm.

Vậy quay lại câu hỏi ở tiêu đề, gần 100 ngàn đồng bào gặp hạn hán và 600ha rừng (137ha rừng đặc dụng), cái nào quan trọng hơn? Thực ra, câu hỏi này sẽ không có một câu trả lời triệt để.

Các bạn biết chúng ta đã phải hạ bao nhiêu rừng để làm hồ Kẻ Gỗ không? Hơn 2000 ha. Để làm hồ Hòa Bình, hơn 7000 ha rừng đã phải mất đi. Còn riêng về hồ Dầu Tiếng, hơn 13000 ha rừng cũng đã biến mất. Và còn hàng chục, hàng trăm hồ nước khác có mục đích phục vụ thủy lợi, phát điện, chống lụt, giữ nước….

Đặt một giả sử, nếu chúng ta cứ tiếc rừng, thì chúng ta có những công trình trên không? Hay sẽ sống trong cảnh thiếu điện triền miên, không thể phát triển nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ. Rồi nơi thì hạn hán, nơi thì thiệt hại vì lũ lụt kinh khủng.

Chúng ta không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Nhưng phải có những khoảnh khắc chúng ta phải lựa chọn giữa được và mất, giữa sinh tồn của gần 100 ngàn người và một cánh rừng 600 ha.

Trong cả ngày hôm nay, người ta thương tiếc một khu rừng. Vậy, bây giờ đặt một câu hỏi như thế này, những người thương tiếc ấy sẽ làm gì để giúp người dân Hàm Thuận Nam nói riêng và Bình Thuận nói chung thoát hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, làm sao để hơn 60 ngàn ha đất nước nghiệp tại huyện này có thể được canh tác? Làm sao để hơn 26 nghìn hộ dân có được nước uống, nước tắm? Nói mồm thì lúc nào cũng dễ, nói đạo lý thì lúc nào cũng hay, nhưng đưa ra giải pháp thì tuyệt nhiên câm lặng.

Các bạn biết tại hồ chứa nước Ka Pét lại là dự án trọng điểm quốc gia không? Vì đây là một trong những dự án được nghiên cứu, hỗ trợ bởi Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Châu Á và Chính phủ của một số quốc gia. Trong đó tiêu biểu là Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán được tài trợ bởi Ngân hàng Châu Á. Dự án hồ chứa nước Ka Pét tham gia điều tiết nước cho dự án Kênh tưới Đu Đủ ‐ Tân Thành cũng tại huyện Hàm Thuận Nam do ADB - World Bank đồng tài trợ bên cạnh vốn đối ứng của Việt Nam.

Nhằm đáp ứng luật pháp Việt Nam và các yêu cầu phát triển bền vững, dự án “lấy đi” 600 ha rừng (trong đó có 137 ha rừng đặc dụng) sẽ trồng bù 1800 ha rừng ở nơi khác. Dĩ nhiên, 137 ha rừng đặc dụng là rất quý. Nhưng 1800 ha rừng sẽ được trồng ở một số khu vực Hàm Đức, Hồng Phong, Phan Rí… đang bị cát lấn đất, nhằm phục vụ giữ đất, chống cát, vậy nên, cũng phải đánh giá rằng 1800 cũng sẽ thu lợi những kết quả tốt.

Bình Thuận cùng với Ninh Thuận là 2 tỉnh khô hạn nhất cả nước nhưng cũng là tỉnh làm tốt việc phòng chống hạn hán tốt nhất. Hệ thống kênh dẫn của Bình Thuận dài 1800 cây số, dài hơn cả chiều dài quốc lộ 1A từ Hà Nội đến TP. HCM. Từ một tỉnh gặp khó khăn với hơn 60% diện tích canh tác bị hạn hán thì nay đã có 73.300ha đất nông nghiệp với hiệu quả sử dụng 72%.

Đánh giá một sự vật hay một sự việc, cần những “trái tim nóng, cái đầu lạnh”, cần gạt bỏ những thứ “nhìn bằng mắt” mà phải đi sâu vào bên trong phân tích, đánh giá, đối chiếu. Nhìn rừng bị phá thì ai cũng không vui, nhưng nếu nhìn vào việc hàng chục ngàn người, hàng chục ngàn ha đất nông nghiệp được “cứu”, có lẽ chúng ta sẽ nghĩ khác đi nhiều.

Đập Tà Mon (xã Tân Lập, Hàm Thuận Nam) đã khô khốc nước từ nhiều ngày qua (nguồn phongchongthientai.mard.gov.vn)

Đập Đồng Đế tiếp nước từ hồ sông Móng về tưới thanh long vùng hạ lưu huyện Hàm Thuận Nam cạn trơ đáy (nguồn phongchongthientai.mard.gov.vn)

Nguồn: Tifosi

 

Top