CÔNG TY TNHH MTV KTCT THỦY LỢI BÌNH THUẬN

  • Banner 7
  • Banner 6
  • Banner 5
  • Banner 4
  • Banner 3
  • Banner 2
  • banner 1

Kế hoạch

Bình Thuận khẩn trương sửa chữa hồ trong mùa mưa bão

8/16/2021 1133 Đã xem

Nhiều hồ chứa ở tỉnh Bình Thuận xây dựng lâu năm đã xuống cấp, sạt lở cần được sửa chữa nâng cấp trước mùa mưa bão đang đến gần.

20 hồ chứa xuống cấp

Theo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 48 hồ chứa gồm 17 hồ lớn, 10 hồ vừa và 21 hồ nhỏ đang vận hành khai thác. Tuy nhiên có 28/48 hồ ổn định và hoạt động bình thường. Số hồ chứa còn lại đang xuống cấp chưa được sửa chữa.

Hồ Sông Móng xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Ảnh: K.S.

Theo ông Nguyễn Hữu Huệ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận, trong 20 hồ xuống cấp có 7 hồ gồm: Hồ Đá Bạc, Hộc Tám, Cẩm Hang, Tân Lập, Tà Mon, Hồ Trà Tân và hồ Tân Hà đã có kế hoạch vốn nâng cấp bằng  nguồn vốn vay ngân hàng thế giới (WB8). Còn 13 hồ  gồm Sông Móng, Cà Giây, Cà Giang, Giếng Cỏ, Bo Bo, Năm Heo, Ba Bàu, Sông Mao, LT Sông Dinh, Đagury, Suối Trâm, Suối Đá và hồ Núi Đất chưa có nguồn vốn để nâng cấp.

Ghi nhận chúng tôi tại hồ chứa nước Cà Giây thuộc xã Bình An, huyện Bắc Bình, được thi công năm 1996 và đưa vào khai thác từ năm 2000 với dung tích trên 37 triệu m3.

Theo thiết kế ban đầu, hồ Cà Giây được xây dựng nhằm cấp nước đảm bảo tưới cho 3.965ha đất canh tác về vụ mùa, bổ sung nước tưới cho vụ hè thu và Đông xuân của các xã Bình An, Hải Ninh, Chợ Lầu, Phan Thanh, Phan Điền, Phan Rí Thành, Phan Hiệp và Phan Hòa (huyện Bắc Bình).

Hồ Cà Giây đã xây dựng hơn 20 năm sử một số hạng mục công trình hiện đã bị xuống cấp. Ảnh: K.S.

Hồ Cà Giây đã xây dựng hơn 20 năm sử một số hạng mục công trình hiện đã bị xuống cấp. Ảnh: K.S.

Tuy nhiên, sau khi kênh tiếp nước hồ Cà Giây được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2009 (với lưu lượng thiết kế Q =11m3/s) đã chuyển một phần nước xả của thủy điện Đại Ninh vào hồ Cà Giây. Nên thực tế hiện hồ này đảm bảo cấp nước tưới cho 6.000ha (mở rộng thêm 2000ha khu tưới Úy Thay – Đá Giá) và tạo nguồn nước phục vụ mục đích sinh hoạt và chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; cũng như tạo cảnh quan phục vụ văn hoá du lịch, cải tạo môi trường sinh thái tiểu vùng, góp phần cắt lũ, giảm ngập lụt ở hạ du.

Thế nhưng theo ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Quản lý nước và công trình (Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận), do trong giai đoạn đầu tư chưa được đồng bộ, cộng với thời gian hơn 20 năm sử một số hạng mục công trình hiện đã bị xuống cấp như mái đập, mặt đập ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của công trình. Bên cạnh đó cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý vận hành, cũng như hệ thống quan trắc dự báo về an toàn công trình chưa có nên công tác quản lý vận hành gặp nhiều khó khăn và không phát huy hết hiệu quả của hồ cũng như vấn đề an toàn hồ chứa.

Tương tự, hồ chứa nước sông Móng thuộc xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam được xây dựng năm 2007 và đưa vào khai thác từ năm 2012 với dung tích trên 37 triệu m3. Hồ có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 4.670 ha đất nông nghiệp, bổ sung nguồn nước cho các hồ Ba Bàu, Đu Đủ, Tân Lập, Tà Mon và cấp nước phục vụ sinh hoạt cho các xã Hàm Thạnh, Hàm Minh, Tân Lập, thị trấn Thuận Nam (Hàm Thuận Nam).

Hiện Bình Thuận có 48 hồ chứa đang vận hành khai thác, trong đó 20 hồ chứa xuống cấp. Ảnh: K.S.

Không những thế hồ còn chịu trách nhiệm điều tiết dòng chảy lũ, bảo vệ khu vực hạ du công trình, cải thiện môi trường, tạo cảnh quan, sinh thái trong khu vực. Song hiện một số hạng mục công trình đã bị xuống cấp như mái đập, mặt đập, đường quản lý có hướng chảy bất lợi đối với an toàn của công trình. Cũng như cơ sở hạ tầng phục vụ quản lý vận hành, hệ thống quan trắc dự báo về an toàn công trình chưa có nên công tác quản lý vận hành gặp nhiều khó khăn và không phát huy hết hiệu quả của hồ cũng như vấn đề an toàn hồ chứa.

Khẩn trương sửa chữa, đảm bảo an toàn hồ trong mùa mưa bão

Cũng theo ông Huệ, theo quy định Nghị định 114/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập thì các nội dung về về lý an toàn đập phải thực hiện xong trước ngày 4/9/2021. Tuy nhiên do khó khăn về nguồn vốn nên việc triển khai các quy định pháp luật về quản lý an toàn đập còn chậm so với kế hoạch.

Còn ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, cho biết, trước thực trạng nhiều hồ chứa hư hỏng, xuống cấp, để tăng thêm khả năng đảm bảo an toàn hồ, đập, Sở NN-PTNT đã chủ động triển khai các giải ứng phó trước mùa mưa lũ năm 2021.

Theo đó, trước mắt Sở NN-PTNT đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi xây dựng phương án sửa chữa, cân đối nguồn kinh phí hỗ trợ, sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi năm 2021, để ưu tiên sửa chữa các bộ phận bi hư hỏng tại các hồ chứa, kịp thời hoàn thành trước mùa mưa, bão năm 2021. Bên cạnh đó, đôn đốc đơn vị khai thác hồ chứa, chính quyền địa phương nơi có công trình phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi đang khai thác tuân thủ quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP.

Cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận kiểm tra hồ chứa trước mùa mưa bão. Ảnh: K.S.

Liên quan vấn đề này, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi cũng đã kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của các đơn vị, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên, duy trì hệ thống thông tin liên lạc 24/24 giờ được thông suốt từ các trạm, chi nhánh. Cũng như trang bị vật tư, công cụ, thiết bị dự phòng cần thiết bảo đảm chủ động ứng phó trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, Công ty đã xây dựng phương án ứng phó tình huấn thiên tai và tình huấn lũ khẩn cấp cho các công trình quan trọng cho 17 công trình, trong đó có 9 công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong đó, tăng cường công tác quản lý, duy trì chế độ trực 24/24 và khi dự báo có mưa lũ sẽ huy động lực lượng trực 100%. Nếu trường hợp cần thiết Công ty sẽ điều động lực lượng khối văn phòng tăng cường cho các hồ chứa lớn.

“Khi vào mùa mưa bão, chúng tôi thường xuyên quan trắc nguồn nước công trình, cũng như cập nhật theo dõi diễn biến của thời tiết để chủ động điều tiết xả lũ hợp lý, tránh trường hợp xả lũ lớn gây ngập cho vùng hạ lưu. Còn khi xả chúng tôi đều thông báo kịp thời cho địa phương và nhân dân biết kế hoạch xả lũ. Nhờ thực hiện tốt các giải pháp trên nên trong các đợt mưa lũ vừa qua các hồ chứa bảo đảm an toàn, không có sự cố cồng trình xảy ra”, ông Huệ chia sẻ.

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, lâu nay việc kiểm định an toàn đập, hồ chứa, xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ các hồ chứa, xây dựng hệ thống quan trắc, vận hành, giám sát đều dùng ngân sách địa phương. Tuy nhiên đối với các tỉnh có nguồn thu ngân sách thấp đề nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu hỗ trợ tỉnh một phần kinh phí thực hiện công tác kiểm định an toàn đập, hồ chứa, xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du các hồ chứa có dung tích lớn.

Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, về lâu dài, để đảm bảo an toàn hồ đập, nâng cao khả năng chống lũ theo các tiêu chuẩn, cũng như tích trữ nguồn nước phục vụ cho sản xuất và dân sinh, tỉnh đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT và các Bộ, ngành Trung ương ưu tiên hỗ trợ địa phương kinh phí, để kịp thời xử lý sự cố hư hỏng nghiêm trọng tại 13 hồ chứa thủy lợi; với tổng kinh phí khoảng 230 tỷ đồng từ các nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021, trung hạn 2021-2025. Đối với UBND tỉnh, các đơn vị liên quan thuộc tỉnh cũng cần bố trí kinh phí để đơn vị quản lý, khai thác hồ chứa kịp thời tu sửa đảm bảo an toàn hồ đập trước mùa mưa bảo năm nay, cũng như đủ kinh phí trung hạn giai đoạn 2021-2025 để triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi đang khai thác tuân thủ quy định tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP .

Kim Sơ

Top